Lãi suất giảm hàng loạt để hỗ trợ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19

Trang chủ - TIN TỨC
Lãi suất giảm hàng loạt để hỗ trợ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19
Chiều 12/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN đã ban hành các quyết định giảm hàng loạt lãi suất điều hành 0,5%, nhằm gỡ khó cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các quyết định giảm lãi đều có hiệu lực từ ngày 13/5.

 

 

Các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: HA.

Theo Quyết định số 918/QĐ-NHNN, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Tại Quyết định số 919/QĐ-NHNN, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, lãi suất sẽ được giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Theo TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, cùng với việc đảm bảo ổn định vĩ mô, NHNN đã hạ nhiều lãi suất điều hành để dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đối với cả nền kinh tế. NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại (NHTM) giãn, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất đối với các khoản đã vay. Giải pháp này rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Hiện có đến 2 triệu tỷ đồng tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nên việc được gia hạn nợ sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng nợ nần trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi dòng tiền sụt giảm.

“Nhóm thứ hai là gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng do các NHTM thực hiện với lãi suất ưu đãi cùng với việc giảm nhiều loại phí dịch vụ. Giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội để bứt phá, đặc biệt khi dịch bệnh qua đi. Có thể thấy các chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, cho vay mới hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là giai đoạn ‘chuyển tiếp’ và hậu dịch là một yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại”, TS Võ Trí Thành nói.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nói: "Ngay từ đầu dịch COVID-19, Vietcombank đã chủ động cùng với Vinacomin làm việc nhằm đi đến hỗ trợ cụ thể với 3 điều khoản hợp tác: Tăng hạn mức tín dụng cho Tập đoàn từ con số 3.000 tỷ theo kế hoạch lên 9.000 tỷ đồng; giảm lãi suất vay của Tập đoàn tại Vietcombank theo tinh thần của Thủ tướng và Thống đốc NHNN, đó được xem là sự hỗ trợ của các tổ chức ngân hàng đối với thành phần kinh tế; Vietcombank tìm những nguồn tài chính có lãi suất tốt để hỗ trợ, giúp Tập đoàn thực hiện những dự án lớn, trọng điểm để phát triển".

Theo ông Lê Minh Chuẩn, việc giảm lãi suất của Vietcombank còn giúp Vinacomin giảm được chi phí trong giá thành sản xuất để từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường và giảm thiểu chi phí tài chính hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của ngành

Theo NHNN, tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Về hỗ trợ tín dụng, theo NHNN, các TCTD vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.
Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/lai-suat-giam-hang-loat-de-ho-tro-kinh-doanh-trong-boi-canh-covid19-20200512160330931.htm

X

Facebook Chat