Sau giai đoạn 2015 - 2017 khá tích cực, nhiều công ty xây dựng, đặc biệt là những công ty hoạt động trong phân khúc nhà ở và thương mại, đã gặp khó khăn trong việc kéo dài đà tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2018.
Trở ngại xảy ra một phần là do ngành đang trở nên bão hòa, khi các yếu tố nội tại như cạnh tranh trong ngành, sức ép từ khách hàng và hành lang pháp lý, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của các công ty.
Tuy nhiên, với vị thế một ngành công nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 115 nghìn tỷ đồng, thì luôn có những điểm sáng đến từ các công ty có cấu trúc tài chính lành mạnh thể hiện vị thế của mình so với các đối thủ trong giai đoạn khó khăn.
Hơn nữa, với sự ưu tiên tư chính phủ, tốc độ tăng trưởng của ngành dù chậm lại nhưng vẫn sẽ được duy trì ổn định trong thời gian tới.
Năm 2019: Cơ hội song hành cùng thách thức
Tăng trưởng song hành cùng GDP
Xây dựng và GDP có mối tương quan cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2019, do vậy VDSC dự báo rằng tốc độ tăng trưởng xây dựng cũng sẽ chậm lại.
Theo đó, với sự đi lên của nền kinh tế, ngành xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7,1% trong giai đoạn 2018 - 2019 và tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP cả nước sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2019.
Có thể thấy nhiều công ty xây đang phải đối mặt với vấn đề dòng tiền âm. Theo phân tích của VDSC về 148 công ty xây dựng đã công bố kết quả tài chính của họ cho đến quý III/2018, chỉ có 57% tổng số công ty có dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh.
Do đó, nguồn tài chính sẽ là một trong những khó khăn của doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2019.
Theo nghiên cứu của BMI, Việt Nam được phân loại là một trong những thị trường cận biên đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Nhu cầu cho các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trải dài nhiều cấp độ, từ các cấp cơ bản như đường cao tốc, đường sắt nặng... đến các dự án có giá trị cao hơn như năng lượng tái tạo, giao thông đô thị... Cùng với đó, giá trị của xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm trên 45% giá trị toàn ngành xây dựng.
VDSC cho hay: "Lợi nhuận khi đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ bản của Việt Nam được coi là cao trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này xuất phát từ sự tăng trưởng của ngành xây dựng nói chung, nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, và số lượng lớn dự án cần vốn đầu tư".
Bên cạnh đó, cùng với tỷ lệ đô thị hóa ở mức thấp, phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Số liệu thống kê cho thấy chi phí cho các công trình xây dựng cơ bản chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu Chính phủ từ năm 2015 - 2018.
Đây được đánh giá là cơ hội cho nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng để vươn lên trước những :sóng gió" của thị trường trong năm 2019.
Một vài năm trở lại đây, phân khúc nhà ở thương mại ghi nhận sự nổi lên của các dự án ở xa trung tâm thành phố, trong năm 2019, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục và điểm sáng với những dự án nằm xa trung tâm hơn.
"Đây là những khu vực hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi quỹ đất rộng, chi phí thu hồi không quá cao, và giao thông nối từ các khu xa trung tâm vào thành phố đã được nâng cấp đáng kể", VDSC nhận định.
Có thể thấy, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành, cùng với những khó khăn trong việc phát triển phân khúc nhà ở và thương mại buộc các công ty xây dựng phải thâm nhập sâu vào ngành và thi công các dự án có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn, như phân khúc xây dựng công nghiệp hoặc cơ sở hạ tầng.
Trong năm mới này, dự báo tăng trưởng trong phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi 2 yếu tố, đó là nguồn vốn FDI ổn định và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh tác động của việc tăng thuế./.
Tuấn Việt