Quy hoạch đô thị Long Thành có tầm nhìn tổng thể và khả năng ứng dụng thực tiễn cao

Trang chủ - TIN TỨC
Quy hoạch đô thị Long Thành có tầm nhìn tổng thể và khả năng ứng dụng thực tiễn cao
 Quy hoạch đô thị Long Thành cần có tầm nhìn tổng thể và khả năng ứng dụng thực tiễn cao; đồng thời, đáp ứng được các tiêu chí của một đô thị hiện đại, xanh, bền vững. 

Đây là một trong các nội dung được nêu ra tại quy chế cuộc thi tuyển "Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận" vừa được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành.

Long Thành được định hướng trở thành thành phố sân bay, cửa ngõ quốc tế. Ảnh: Internet

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức thi tuyển còn nhằm đánh giá hiện trạng để đưa ra các giải pháp, định hướng quy hoạch đến năm 2045 phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển của huyện Long Thành.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Đô thị Long Thành cùng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng và là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam. Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Do đó, quy hoạch đô thị Long Thành cần có tầm nhìn tổng thể và khả năng ứng dụng thực tiễn cao; đồng thời, đáp ứng được các tiêu chí của một đô thị hiện đại, xanh, bền vững.

Vì vậy, theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổ chức cuộc thi tuyển giúp thu hút được các ý tưởng quy hoạch sáng tạo, độc đáo từ các chuyên gia, nhà quy hoạch trong và ngoài nước. Việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án quy hoạch tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Từ kết quả cuộc thi sẽ xem xét, lựa chọn các ý tưởng hay đột phá, nội dung quan trọng để đưa vào đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045; đồng thời, là cơ sở cho việc lựa chọn tư vấn, cho công tác lập quy hoạch chung đô thị Long Thành.

Theo đó, cuộc thi dành cho các tổ chức tư vấn thiết kế trong nước và nước ngoài có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.

Cuộc thi sẽ tổ chức tuyển chọn gồm 2 vòng; trong đó, vòng 1 được xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn trong thiết kế quy hoạch đô thị với quy mô phù hợp và đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật; thuyết minh ý tưởng, các minh họa về giải pháp quy hoạch mà phương án thi tuyển hướng đến của đơn vị thiết kế tham gia thi tuyển. Từ đó, Hội đồng sơ tuyển sẽ lựa chọn 5 đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp để mời tham dự vòng 2.

Các đơn vị vào vòng 2 sẽ được mời tham gia Hội nghị khởi động, cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về yêu cầu nhiệm vụ thiết kế cuộc thi và thực hiện phương án ý tưởng thiết kế trong thời gian từ 6 đến 8 tuần, nộp sản phẩm dự thi theo đúng thời gian yêu cầu của Ban tổ chức. Hội đồng thi tuyển sẽ thực hiện chấm giải và thông báo kết quả đến Ban tổ chức để thực hiện công bố các phương án dự thi trúng giải theo quy định.

Cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận" có tổng giải thưởng trị giá 4,5 tỷ đồng; trong đó, giải nhất 2 tỷ đồng, giải nhì 1 tỷ đồng, giải ba 500 triệu đồng, cùng với số tiền hỗ trợ cho các tổ chức tư vấn thiết kế không đạt giải.

Thời gian nhận hồ sơ vòng 1 và vòng 2 từ nay đến ngày 03/12/2024.

Ngày 27/7/2023, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. 

Theo đó, về tính chất, chức năng đô thị, đô thị Long Thành đến năm 2030 là đô thị loại III: Là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; đồng thời là trung tâm thương mại - tài chính chất lượng cao cấp vùng; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia.

Long Thành cũng được định hướng trở thành thành phố sân bay, cửa ngõ quốc tế phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng.

Đồng thời là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng cùa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

X

Facebook Chat