Những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cát tại các dự án giao thông trọng điểm

Trang chủ - TIN TỨC
Những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cát tại các dự án giao thông trọng điểm

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn năm 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tới hơn 65 triệu m3 cát để đắp đường cho 6 dự án cao tốc trọng điểm và một số dự án quan trọng khác. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2024, nhiều dự án đang thiếu cát đắp nền.

Cụ thể, các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau hiện còn thiếu khoảng 9,7 triệu m3; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thiếu hơn 10,5 triệu m3; Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh thiếu 8,6 triệu m3; An Hữu - Cao Lãnh thiếu 0,95 triệu m3; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận thiếu 1,8 triệu m3…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nhận định, nếu nguồn cung cát tiếp tục thiếu, sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và tăng mức đầu tư các dự án này.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, nguồn cung cát cho một số dự án đã bước đầu được khắc phục.

Theo diễn biến mới đây, ngày 1/7, những khối cát biển đầu tiên đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) vận chuyển từ khu vực khai thác tại tiểu khu B1.1 và B1.2 thuộc vùng biển Sóc Trăng, cách cửa Định An khoảng 21km về dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Số cát này dùng đắp nền đường cho đoạn tuyến qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Việc sử dụng loại vật liệu này được triển khai, giám sát hết sức chặt chẽ. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm thông tin, Bộ đã thống nhất với các bên chỉ sử dụng cát biển làm vật liệu đắp đường với một số điều kiện như: Đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012; sử dụng cho nền đắp có độ chặt K ≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm...

Bàn luận về những “điểm nóng” thiếu cát trong san lấp tại nhiều dự án giao thông trọng điểm phía Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, để có nguồn cung ổn định hơn cho các dự án giao thông phía Nam, chúng ta cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp căn cơ và lâu dài.

Xây dựng cầu cạn thay thế phương án sử dụng cát làm vật liệu đắp nền đường cao tốc

Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu đắp nền đường, thì giải pháp xây dựng cầu cạn thay thế đang là một giải pháp được giới chuyên môn và dư luận quan tâm.

Hiện nay, các dự án xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn vì tính chất đặc thù của khu vực, như: Điều kiện địa chất yếu, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh, rạch, sông ngòi và ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Việc xử lý nền đất yếu thường kéo dài khoảng 12 đến 18 tháng, khiến các dự án bị chậm tiến độ. Mặt khác, trữ lượng cát trong khu vực cũng bị thiếu hụt, không đủ đáp ứng cho các dự án đang triển khai thi công. Do đó, các chuyên gia và nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt cát san lấp, trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp.

Theo đánh giá của PGS.TS Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), giải pháp xây dựng cầu cạn để thay thế giải pháp truyền thống là cát đắp nền đường là giải pháp tốt, hiệu quả, tính bền vững cao. Hiện nay, hệ thống cao tốc trên cả nước đang được triển khai xây dựng quyết liệt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thống cần đến lượng cát đắp nền đường cao tốc rất lớn. Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 8 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 463km, nhu cầu về cát san lấp khoảng 53,7 triệu m3. Tuy nhiên, tổng trữ lượng khai thác cát trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của 8 dự án. Điều này đang là điểm nghẽn khi các đơn vị không có mỏ để có thể khai thác kịp thời.

Trong khi đó, giải pháp sử dụng nền đường đắp đã được ứng dụng cho một số công trình cao tốc trong thời gian qua. Đây là phương án an toàn, giá rẻ, nhưng thực tế lại cho thấy, một số đoạn cao tốc xuất hiện hiện tượng lún, cần phải có thời gian để bù lún.

Còn theo ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trên thực tế, các dự án đang thiếu cát và vật liệu san lấp một cách trầm trọng. Khi triển khai xây dựng đường cao tốc bằng cầu cạn bê tông cốt thép sẽ sử dụng rất ít cát so với việc đắp nền đường.

“Nếu chúng ta làm đường bằng phương án đắp nền bằng cát và vật liệu san lấp thì không thể nào thực hiện được vì chúng ta rất thiếu cát cho xây dựng, cho san lấp, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình trên, tôi cho rằng nên áp dụng giải pháp cầu cạn thay thế phương án sử dụng cát làm vật liệu đắp nền đường cao tốc”, ông Lê Văn Tới chia sẻ.

XEM THÊM CHI TIẾT TẠI: https://baoxaydung.com.vn/bai-3-nhung-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-cat-tai-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-378606.html

X

Facebook Chat