Đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến thế giới không kịp trở tay, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cú sốc lịch sử. Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế cả nước giảm mạnh tới 6,17% - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tính chung 9 tháng, GDP Việt Nam chỉ tăng 1,42%.
Tuy nhiên, một bài viết đăng trên trang Sputnik (Nga) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục trở lại như chiếc “lò xo bị nén” lâu ngày. Cùng sự điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ, với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP vào tháng 10, chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả và tỷ lệ tiêm chủng nhanh chóng, cao hàng đầu khu vực, tình hình kinh tế đất nước lập tức có những khởi sắc.
Theo số liệu mà Tổng cục Hải quan mới công bố giữa tháng 12, xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Việt Nam tiếp tục xuất siêu, ước tính cả năm 2021 tăng khoảng 2,1 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam được dự báo sẽ chỉ khoảng trên dưới 3% hoặc thấp hơn nhiều so với mức dự báo của các cơ quan hữu trách ở Việt Nam. Sang năm 2022, sự bình thường hóa nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn năm 2021 (và có lẽ cũng không thể vượt qua mức trung bình của thế giới), đồng thời cũng làm tăng áp lực lạm phát khi tổng cầu dần hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại sau khi nền kinh tế mở cửa lại (hoàn toàn) với bên ngoài trong khi chuỗi cung ứng trong nước có thể sẽ bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thế giới. Năm 2022, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.
Trước những dấu hiệu phục hồi này, Sputnik dẫn dự báo của các tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Theo các chuyên gia, năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Dự báo cho năm 2022, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC thậm chí tin tưởng rằng, Việt Nam có thể lấy lại đà tăng 6,8% năm tới nếu mọi sự thuận lợi.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, riêng về xuất khẩu, hiện tại, Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Ông dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.
Tuy nhiên, bài viết trên Sputnik lưu ý, Việt Nam cần tỉnh táo, tăng cường nội lực nền kinh tế, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, việc triển khai tới cấp cơ sở phải đúng và trúng đối tượng chứ không nên dàn trải, chung chung, mơ hồ.